HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương (Tên thương mại: Luật sư VCT) là một Công ty luật chuyên thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh lân cận, Luật sư VCT hướng dẫn khái quát về Hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài để nhà đầu tư có thể nắm cơ bản quy trình thành lập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam.
Khi muốn thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp hoặc khi phát sinh nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) phải đăng ký thành lập doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Vậy, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
1.1. Khái niệm
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khái niệm có tính chất quy ước và có thể được hiểu như sau:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được sở hữu một phần hoặc toàn bộ bởi chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài.
Căn cứ theo quy định tại khoản 22, Điều 3, Luật đầu tư năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”
Nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được xác định dựa trên các tiêu chí là quốc tịch, nơi thành lập và quyền kiểm soát. Liên quan đến quyền kiểm soát thì theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 50% trở lên khi thực hiện dự án đầu tư thì cần phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Khi thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy phép sau: (i) Chấp thuận chủ trương đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (chỉ áp dụng bắt buộc đối với một số dự án quan trọng), (ii) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (áp dụng bắt buộc đối với mọi dự án), (iii) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và (iv) Giấy phép kinh doanh (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).
Vậy trình tự, thủ tục để đề nghị cấp các giấy phép này được thực hiện như thế nào? Hãy cùng đội ngũ pháp lý tư vấn pháp luật đầu tư của Luật sư VCT tìm hiểu như sau:
2. Trình tự, thủ tục cấp các giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài
2.1. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ và thực hiện thủ tục đầu tư mà nhà đầu tư trong nước không bắt buộc phải thực hiện, đó là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan đăng ký đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đối với những dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư từ cơ quan có thẩm quyền (như Quốc hội, Thủ tướng chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), cơ quan đăng ký đầu tư chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư sau khi có được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không cần đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án phải có chấp thuận chủ trương từ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tương đối giống nhau; riêng những dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhiều và phức tạp hơn. Cụ thể,
2.1.1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương.
1. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
a) Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư;
b) Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên, căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu; dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.
3. Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế quyết định chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
4. Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
2.1.2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương
Hồ sơ, thủ tục
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung nhau sau, cho cơ quan đăng ký đầu tư.
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
– Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
– Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
– Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
– Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo như nêu trên, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thời hạn cấp giấy và điều kiện cấp giấy
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:
– Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;
– Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
– Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định pháp luật về đầu tư;
– Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);
– Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
2.2. Những nội dung thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Khi đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư sẽ được ghi nhận nội nội dung gì trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư? Luật sư VCT, công ty luật chuyên tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đăng ký đầu tư xin được giải đáp như sau:
Về cơ bản Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thể hiện thông tin được trình bày trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi có thay đổi dự án đầu tư liên quan các nội dung được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp cho nhà đầu tư cần được điều chỉnh. Mặc dù giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho người nước ngoài trước khi thành lập doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp thành lập, nhà đầu tư nước ngoài phải thông qua doanh nghiệp được thành lập đó để thực hiện dự án. Chính vì vậy, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài thành lập. Ngoài những thông tin khác, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thể hiện những nội dung sau:
2.2.1. Thông tin của nhà đầu tư nước ngoài
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận tên và địa chỉ của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến việc sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để ghi nhận việc thay đổi nhà đầu tư nước ngoài.
2.2.2. Thông tin dự án đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận các thông tin cơ bản liên quan đến dự án đầu tư, bao gồm:
– Mục tiêu và quy mô dự án đầu tư. Khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập để thực hiện một dự án đầu tư cụ thể, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định mục tiêu và quy mô dự án đầu tư. Đây là các nội dung thể hiện phạm vi hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài thành lập.
– Vốn đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận vốn đầu tư cụ thể của dự án, gồm vốn góp của (các) nhà đầu tư nước ngoài từ vốn điều lệ của doanh nghiệp được thành lập và vốn huy động (bao gồm cả vốn vay) để thực hiện dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
– Thời hạn hoạt động và tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
Thời hạn hoạt động và tiến độ thực hiện của dự án đầu tư cũng là nội dung được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thời hạn của dự án đầu tư thể hiện thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu doanh nghiệp này có duy nhất một dự án để thực hiện.
Dự án đầu tư thông thường có thời hạn không quá 50 năm và đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
2.2.3. Đất sử dụng dự án đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư và diện tích đất sử dụng cho dự án.
2.2.4. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng cho dự án đầu tư (nếu có). Các ưu đãi đầu tư có thể dưới hình thức miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất hoặc thuê đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn, giảm thuế hoặc áp dụng mức thuế suất thấp hơn), miễn thuế nhập khẩu và bảo đảm hỗ trợ về quyền chuyển đổi nội tệ ra ngoại tệ. Các hỗ trợ đầu tư có thể bao gồm hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các hình thức hỗ trợ khác được quy định tại luật đầu tư năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022.
2.2.5. Các điều kiện đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể nêu các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án thông qua doanh nghiệp được thành lập. Các điều kiện đầu tư chủ yếu áp dụng cho các dự án đầu tư liên quan đến ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (ví dụ, điều kiện để mở các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; điều kiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án có sử dụng đất giao hoặc thuê từ nhà nước; điều kiện đáp ứng về môi trường).
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một trong các tài liệu mà nhà đầu tư nước ngoài phải nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp sau khi hoàn thành xong thủ tục đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư trong nước thành lập doanh nghiệp không bắt buộc phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy vậy, nhà đầu tư trong nước vẫn có quyền xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để ghi nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư và trong trường hợp này, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng là một thành phần hồ sơ để nhà đầu tư trong nước thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trong trường hợp thành lập mới doanh nghiệp hoặc là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư trong nước được thực hiện dự án trong trường hợp nhà đầu tư trong nước không thành lập mới doanh nghiệp để thực hiện dự án đó.
2.3. Trình tự thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
Chấp thuận chủ trương đầu tư áp dụng khi doanh nghiệp thực hiện (i) các dự án quan trọng có ảnh hưởng lớn đến xã hội hoặc môi trường, liên quan đến các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc sử dụng nguồn vốn lớn hoặc (ii) các dự án sử dụng đất hoặc công nghệ hạn chế chuyển giao. Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án thuộc các trường hợp nêu trên đều có nghĩa vụ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Nhìn chung, các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội và Thủ tướng chính phủ là các dự án quan trọng.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đối với những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất hoặc công nghệ hạn chế chuyển giao.
Vậy, trình tự thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân được quy định như thế nào? Đội ngũ tư vấn pháp luật đầu tư của Luật sư VCT xin được giải đáp như sau:
2.3.1. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội
Bước 1: Chuẩn bị thành phần hồ sơ
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập bao gồm:
a) Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
b) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
Bước 2: Gửi toàn bộ thành phần hồ sơ đã chuẩn bị tại Bước 1 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
Bước 4. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định để trình Chính phủ.
Bước 5. Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.
2.3.2. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo như hồ sơ tại xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội như nêu trên.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật này.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 4: Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại luật đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bước 5. Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các nội dung quy định
2.3.3. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Bước 1: Chuẩn bị thành phần hồ sơ như trường hợp đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không cần xin chủ trương đầu tư nêu trên.
Bước 2. Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư.
Bước 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định.
Bước 4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 5. Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, thông qua việc cấp chấp thuận chủ trương đầu tư (áp dụng đối với một số dự án quan trọng), cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép về mặt nguyên tắc việc nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án đầu tư thông qua doanh nghiệp do nhà đầu tư đó thành lập. Chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ sở để cấp (i) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ii) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập.
2.4. Trình tự thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho doanh nghiệp mà không phân biệt chủ sở hữu là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tương đối đơn giản. Tuỳ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà thành phần hồ sơ có khác nhau
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi nhận bốn nội dung là (i) tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp, (ii) địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, (iii) thông tin về thành viên góp vốn đối với Công ty TNHH, thông tin về người đại diện theo pháp luật, (iv) Vốn điều lệ.
Liên quan đến trình tự thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Luật sư VCT hướng dẫn quý khách hàng như sau:
2.4.1. Quy trình thành lập công ty TNHH Một thành viên
2.4.2. Quy trình thành lập công ty TNHH Hai thành viên
2.4.3. Quy trình thành lập công ty Cổ phần
3. Dịch vụ Luật sư VCT
Luật Sư VCT (Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương) là một Công ty Luật chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến lĩnh vực tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn đầu tư.
Quý đối tác, Quý khách hàng có thể liên hệ với Luật sư VCT để sử dụng dịch vụ tư vấn liên quan đến doanh nghiệp và các dịch vụ tư vấn khác.
Thứ nhất, tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: Khách hàng có nhu cầu sẽ kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua hotline: 0971.17.40.40 nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết hoặc tham khảo giá trước khi thực hiện dịch vụ.
Thứ hai, tư vấn qua email: Nếu quý khách không thể đến trực tiếp mà mà vẫn muốn nhận được ý kiến tư vấn của luật sư/chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực tư vấn đầu tư của Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương (Luật sư VCT) thì có thể gửi câu hỏi trong lĩnh vực qua email: Info@luatsuvct.com. Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ lại dựa trên thông tin pháp lý mà khách hàng cung cấp để báo giá dịch vụ hoặc tư vấn miễn phí nếu đó là vấn đề pháp lý phổ thông trong lĩnh vực tư vấn pháp luật.
Thứ ba, tư vấn trực tiếp tại văn phòng: Đối với những vấn đề pháp lý phức tạp, Quý khách hàng có thể chủ động đặt lịch tư vấn trực tiếp tại trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương (Luật sư VCT) tại địa chỉ: 530 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đội ngũ luật sư/Chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực Tư vấn đầu tư sẽ nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu và tư vấn, giải đáp trực tiếp những vướng mắc mà khách hàng gặp phải.
Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề “HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM”. mà Luật sư VCT muốn gửi đến quý khách hàng. Còn bất cứ vướng mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline: 0971.17.40.40 hoặc email: Info@luatsuvct.com để được hỗ trợ. Chúng tôi rất hân hạnh được hợp tác với quý khách.
Trân trọng.
Công ty luật TNHH Pháp Lý AV Bình Dương – Dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp
================================
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÁP LÝ AV BÌNH DƯƠNG
– Giải đáp trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ,….
– Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp
– Thực hiện hồ sơ tố tụng,..
– Đại diện uỷ quyền,..
– Tư vấn pháp luật về quản lý và xử lý nợ
Địa chỉ Văn Phòng: 530 Nguyễn Văn Trỗi, Phường Phú Lợi, Thành Phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatvct
Website: https://luatsuvct.com/
Youtube: https://www.youtube.com/@luatsuvct/fe…
Email: LuatsuVCT@gmail.com
Hotline: 0971.174.040 -0939.296.588