Bạn đã thành lập công ty mong muốn xin giấy phép chăn nuôi, bạn không biết hồ sơ gồm những gì, quy trình để thực hiện như thế nào? Hãy cùng Luật sư VCT đi tìm câu trả lời dưới bài phân tích sau đây.
1. Chăn nuôi là gì?
Chăn nuôi là một ngành quan trọng của nông nghiệp hiện đại, nuôi lớn vật nuôi để sản xuất những sản phẩm như: thực phẩm, lông, và sức lao động. Sản phẩm từ chăn nuôi nhằm cung cấp lợi nhuận và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người.
2. Điều kiện chăn nuôi
2.1 Điều kiện chăn nuôi trang trại
Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật Chăn nuôi 2018.
+ Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi.
+ Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi.
+ Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi.
+ Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
– Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường như sau:
+ Nguyên tắc xác định khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi là khoảng cách ngắn nhất từ chuồng nuôi hoặc khu vực chứa chất thải chăn nuôi đến tường rào hoặc ranh giới của đối tượng chịu ảnh hưởng;
+ Nguyên tắc xác định khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến trang trại chăn nuôi là khoảng cách ngắn nhất từ chuồng nuôi hoặc khu vực chứa chất thải chăn nuôi đến chuồng nuôi hoặc khu vực chứa chất thải chăn nuôi của trang trại khác.
2.2 Điều kiện chăn nuôi nông hộ
Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
– Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
– Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Trường hợp chăn nuôi nông hộ không phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi nông trại phải bắt buộc có giấy phép này, hồ sơ, thủ tục xin giấy phép được thực hiện tại Mục III.
3. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh chăn nuôi trang trại
– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn quy định như sau:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương;
+ Trường hợp cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
+ Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
– Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).
Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cơ sở pháp lý
– Luật Chăn nuôi 2018;
– Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;
– Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
=================================
Luật Sư VCT – Tháo gỡ nút thắt pháp lý
Thủ tục xin giấy phép chăn nuôi